[Kiến Thức] Những Cách Kiểm Soát Cơn Giận

Bảo Hân
Đăng ngày 07/12/2021
613 Lượt xem
0 Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Các cơn giận là phản ứng tự nhiên của bạn được bộc lộ khi gặp phải các cảm xúc như bị tổn thương, lo lắng, sự thất vọng, bất an, sợ hãi, cảm giác tội lỗi hay sự xấu hổ. Ngoài ra, giận dữ cũng có thể là kết quả của sự hiểu lầm trong giao tiếp giữa các mỗi quan hệ thông thường. Việc có cơn giận xuất hiện là vô cùng bình thường, và việc giải tỏa cơn giận cũng là một việc làm lành mạnh và cần thiết cho mỗi người. Tuy nhiên, bạn không được giải quyết thông qua bạo lực hay hành động quá khích nhé.

Một số hiểu lầm về các cơn giận:

“Không nên kiềm nén cơn giận, tôi cần bùng nổ và giải phóng cảm xúc tiêu cực này ngay.”

Sự thật thì: việc nổi nóng và đấm đá vào tường hay quăng vứt và đập bể đồ đạc sẽ hoàn toàn không làm bạn nguôi giận. Mà tệ hơn thế, các hành động này sẽ càng khiến bạn trở nên giận dữ và nóng nảy hơn hết. Bạn sẽ có thể làm tổn thương người khác và rất có thể, nhanh chóng sau đấy, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hối hận về hành động của mình.

“Bộc lộ sự giận dữ để mọi người xung quanh biết và giúp tôi giải quyết vấn đề.”

Sự thật là sẽ chẳng ai tôn trọng sự hung hăng của bạn vào thời điểm bạn đang vô cùng nổi giận. Họ có thể sẽ làm theo ý bạn muốn chỉ vì muốn tránh phiền phức. Nhưng sau đấy họ sẽ không quan tâm và có thể nói xấu sau lưng bạn. Việc này ít nhiều sẽ khiến các mối quan hệ trở nên tệ đi.

“Nên lờ đi cơn giận và tập cách kiềm nén nó, mọi chuyện rồi sẽ nhanh chóng ổn thôi.”

Sự thật thì việc kiềm nén cơn giận sẽ dễ khiến bạn cảm thấy quá tải. Bạn có thể nhịn được trong một vài lần, nhưng hãy tưởng tượng cơn giận như một ly nước sôi vậy, việc kiềm nén như cách bạn không làm nguội mà chỉ đổ thẳng vào bình chứa vậy. Rồi đến một lúc nào đó khi bình chứa đầy nó tràn ra và làm bỏng không chỉ bạn mà cả những người xung quanh nữa.

Và sau đây là một số cách khiến bạn có thể kiềm lại cơn giận dữ một cách thông minh:

+ Hít thở sâu: Hít thật sâu một hơi dài để làm căng khí trong lồng ngực, trong lúc thực hiện hãy chậm rãi đếm từ 1 – 4. Sau đó thở từ từ ra hết bằng miệng giống như việc thổi nến. Việc hít thở sẽ giúp bạn điều hòa lại nhịp sinh học, đây là một phương pháp hữu hiệu giúp bạn lấy lại bình tĩnh.

+ Làm nguội chiếc đầu nóng bằng một việc gì đó khiến bạn thư giãn: Khi cảm thấy cơn giận kéo tới hãy làm một việc gì đó để xao nhãng cơn giận, ví dụ như đi tắm, nghe nhạc, đi dạo để hít khí trời hay vuốt ve thú cưng,... hãy nhớ là chúng ta chỉ tạm quên, làm cho cơn giận “loãng” ra, chứ không phải là bỏ qua nhé.

Về lâu dài việc quản lý cảm xúc để hạn chế những cơn giận quá đà là điều cần thiết, hãy thử luyện tập những cách sau đây:

+ Chấp nhận và tìm cách giải quyết: Hãy chấp nhận những lí do khiến bạn giận dữ, vì một số trong chúng có thể nghe rất vô lí và không đáng kể, nhưng hãy liệt kê hết tất cả những gì khiến bạn bực bội, có thể như: ngủ dậy trễ, lỡ va chân vào giường, sự thiếu cẩn thận làm đổ vỡ, bị người khác nói xấu, xấu hổ vì lỡ nói điều gì ngu ngốc,.... hãy chấp nhận và tìm cách giải quyết: đặt đồng hồ báo thức, cẩn thận hơn với những chỗ kê giường, tránh gặp mặt những người khiến bạn không vui, rút kinh nghiệm cho những tiếp tới.

+ Luyện tập suy nghĩ từ góc nhìn của người khác: Chúng ta luôn có xu hướng làm trầm trọng hóa về nỗi buồn cũng như các cảm xúc cá nhân. Vì vậy điều có thể khiến bạn tỉnh táo hơn là hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, suy nghĩ xem nếu mình là họ trong lúc đó thì mình sẽ có cảm giác như thế nào? Có phải lúc nào họ cũng quá đáng như vậy không? Hay họ cũng đang có những vấn đề riêng?

Sống trong xã hội hiện đại, khi mà các mối quan hệ chồng chéo và cuộc sống diễn ra quá nhanh rất dễ khiến chúng ta bị quay cuồng trong guồng quay của mọi thứ, và việc căng thẳng, dẫn đến các sự tức giận là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này và học cách kiểm soát sự giận dữ để chúng không mang đến cảm xúc tiêu cực cho bản thân mình nhé.

Nguồn tham khảo: Phòng Kết nối Khoa học với Công chúng Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam 2018